Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence hay EQ) là khả năng nhận thức, hiểu và quản lý cảm xúc của một người. EQ thường được đánh giá dựa vào 5 yếu tố: (1) khả năng tự nhận thức, (2) tự điều chỉnh, (3) động lực, (4) kỹ năng xã hội và (5) sự đồng cảm.
Người có EQ cao thường thành công hơn trong sự nghiệp và các mối quan hệ, dễ dàng đối phó với tình huống khó và vượt qua căng thẳng tốt. Trí tuệ cảm xúc hoàn toàn có thể rèn luyện được. Dưới đây là một vài cách bạn có thể áp dụng:
1) Rèn luyện khả năng tự nhận thức về bản thân
Bạn hãy chú ý nhiều hơn đến cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực của mình, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định, lời nói và hành động của bạn. Bạn chỉ có thể kiểm soát và thay đổi những điều bạn biết. Bằng cách xác định rõ mình đang cảm thấy như thế nào và nguyên nhân gây ra cảm xúc ấy, bạn sẽ điều chỉnh hành động của mình tốt hơn.
2) Rèn luyện năng lực tự điều chỉnh cảm xúc
Một khi bạn nhận thức được các cảm xúc bên trong mình, bạn có thể rèn luyện năng lực tự điều chỉnh bằng cách cho bản thân thêm thời gian để điều chỉnh hành vi theo cảm xúc. Những ai có khả năng tự điều chỉnh tốt thường có xu hướng linh hoạt và thích ứng tốt hơn với sự thay đổi. Họ cũng thường được xem là giỏi quản lý xung đột và có khả năng giải quyết các tình huống căng thẳng hoặc khó khăn trong công việc. Đây là một kỹ năng thường được đánh giá cao trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
3) Tạo và duy trì động lực liên tục
Hãy xác định rõ mục tiêu của bạn là gì, tự khen thưởng cho mình khi đạt được từng mục tiêu, và liên tục hướng bản thân vươn tới những mục tiêu mới. Bạn hãy chọn đồng hành cùng những người luôn hăng hái, tràn đầy động lực, cũng như không ngừng cập nhật cho mình những kiến thức, thông tin tích cực. Việc này sẽ giúp bạn duy trì được thái độ sống lạc quan và tinh thần giải quyết vấn đề hiệu quả khi phải đối mặt với các thách thức trong công việc.
4) Cải thiện kỹ năng xã hội
Bạn hãy tập lắng nghe chủ động và tích cực khi trao đổi với sếp và đồng nghiệp. Chính việc lắng nghe sẽ giúp bạn hiểu và hoàn thành công việc tốt hơn. Bạn hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể như cách đứng, ngồi, âm lượng giọng nói và biểu cảm gương mặt khi giao tiếp.
5) Trở nên đồng cảm hơn
Bạn hãy đặt bản thân vào vị trí của người khác để có thể hiểu và thông cảm cho họ. Đồng cảm là khả năng thấu hiểu được nhu cầu cảm xúc chính đáng của người khác và cư xử với họ một cách phù hợp. Những người thể hiện được khả năng đồng cảm sâu sắc thường có thể phát triển mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, phối hợp nhịp nhàng với đối tác, và xử lý tốt những khác biệt văn hóa trong môi trường làm việc. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra sự kết nối tốt hơn trong và ngoài nơi làm việc.
Trí tuệ cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự cân bằng giữa công việc và hạnh phúc cá nhân. Chọn theo đuổi tinh thần tích cực trong công việc sẽ giúp bạn có thể truyền cảm hứng hành động mạnh mẽ hơn cho những người xung quanh.
Bạn đã rèn luyện được bao nhiêu yếu tố? Hãy áp dụng các mẹo trên để nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình và tạo ra sự khác biệt trong môi trường làm việc ngay hôm nay nhé!